Now Reading
Bệnh viện công đã quá tải còn ‘chảy máu chất xám’

Bệnh viện công đã quá tải còn ‘chảy máu chất xám’

Điều này đang ngày càng trở nên cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp tới công tác khám chữa bệnh cũng như tâm lý của nhân viên y tế, bởi họ đã quá tải nay còn phải kiêm nhiệm, gánh vác thêm phần việc của đồng nghiệp.

Đóng cửa phòng bệnh vì không còn ai làm việc 

Chẳng nói đâu xa, đơn cử tình trạng thiếu hụt các nhân sự chủ chốt tại một số chuyên khoa ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM do bác sĩ nghỉ việc (chuyển ra bệnh viện tư hoặc đi nước ngoài học).

Tại khoa Tâm lý của bệnh viện, bác sĩ trưởng khoa nghỉ, bệnh viện phải bố trí một bác sĩ ở phòng chỉ đạo tuyến sang thay thế. Tại khoa Thận nội tiết, bác sĩ trưởng khoa cũng xin nghỉ việc nên bác sĩ phó khoa được đôn lên để gánh vác công việc. 

Bẹnh viẹn cong dã quá tải còn 'chảy máu chát xám'
Bác sĩ Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức chăm sóc cho bệnh nhân ở phòng cấp cứu. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Một số phụ huynh phản ánh, trước đây con họ vẫn theo tái khám chuyên khoa da liễu do bác sĩ H. khám, tuy nhiên bác sĩ này đã chuyển ra phòng khám tư làm nên việc theo dõi sức khỏe đối với một số bệnh da mạn tính cũng do bác sĩ khác kiêm nhiệm. Theo thông tin chúng tôi ghi nhận, bác sĩ chuyên khoa về da liễu tại bệnh viện này rất mỏng mà lại chuyển đi, những người ở lại gánh việc chủ yếu là bác sĩ đa khoa.

Chưa hết, tại bệnh viện này, chỉ trong vòng chưa tới hai năm, khoa Nhiễm – Thần kinh cũng có tới bốn nhân viên y tế lành nghề (hai bác sĩ, hai điều dưỡng) nghỉ việc ra làm bác sĩ và trình dược viên ở bệnh viện tư.

Thạc sĩ – bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM – nhận định: “Sự thất thoát về nhân sự gây rất nhiều xáo trộn. Một bác sĩ, kể từ khi ra trường, đi làm ở bệnh viện phải mất thêm hai mươi năm đào tạo, trau dồi kinh nghiệm mới gọi là cứng cáp. Vậy mà khi lành nghề, họ chuyển đi. Những bác sĩ ở lại phải gồng mình gánh luôn phần việc của họ trong thời gian chờ tuyển người mới. Tuyển người đâu có dễ, lại phải đợi có bác sĩ nội trú tốt nghiệp, đôi khi mất một – hai năm trời”. 

Bẹnh viẹn cong dã quá tải còn 'chảy máu chát xám'
Khám chữa bệnh tại Bệnh viện An Bình. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Chẳng riêng gì Bệnh viện Nhi Đồng 1, tình trạng “chảy máu chất xám” còn diễn ra ở rất nhiều bệnh viện tên tuổi tại TP.HCM như Nhân dân Gia Định, Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Bình Dân, Từ Dũ… 

Vào Khoa Nhi, Bệnh viện An Bình – bệnh viện công lập hạng 2 trực thuộc Sở Y tế TP.HCM, ai cũng xót xa khi thấy nhiều phòng bệnh đóng cửa im ỉm. Từ hơn một năm qua, nơi đây đã không tiếp nhận trẻ em vào điều trị. Trẻ nào bệnh nặng cần nhập viện sẽ được chuyển sang Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Trong khi đó, hai bệnh viện này cũng đều quá tải. 

Bác sĩ Vũ Minh Đức – Phó giám đốc Bệnh viện An Bình – phân trần: “Bệnh viện luôn đối diện với tình trạng bác sĩ nghỉ việc. Tình trạng thiếu nhân sự dẫn đến Khoa Nhi không tiếp nhận bệnh nhi nằm viện. Khoa Nhi chỉ còn hai bác sĩ có chứng chỉ hành nghề và bốn điều dưỡng. Những y bác sĩ này chỉ có nhiệm vụ khám chữa bệnh ngoại trú”. 

Tại Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn, toàn bệnh viện có 130 bác sĩ thì trong năm 2018, đã có 20 bác sĩ “dứt áo ra đi”. 

Chưa có lối ra

Bác sĩ Trương Hữu Khanh đánh giá tình trạng “chảy máu chất xám” ở bệnh viện công là điều tất yếu, do hai nguyên nhân: đồng lương và môi trường làm việc. Theo bác sĩ Khanh, những bác sĩ vẫn còn ở lại công tác do họ đã lớn tuổi, ngại thay đổi, không thì cũng có nguồn thu khác từ phòng mạch.

Trong buổi tập huấn cho cán bộ y tế tại Cần Thơ tháng 1/2019, trước vấn đề “chảy máu chất xám” từ bệnh viện công sang bệnh viện tư, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã bày tỏ quan điểm rằng dịch chuyển nhân lực từ y tế công sang tư là cạnh tranh lành mạnh. Điều này kích thích cho cả bệnh viện công và tư cùng phát triển. Nhờ thế, bệnh viện công sẽ nhận ra nếu không thay đổi để nâng cao chất lượng thì sẽ không tồn tại được. 

Còn nếu chỉ trông chờ vào thu nhập chính ở bệnh viện thì không thể đảm bảo cuộc sống. Ví dụ thu nhập ở vị trí trưởng khoa như bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng chỉ chưa tới 15 triệu đồng/tháng. Trong khi với một vị trí tương đương ở bệnh viện tư, các bác sĩ được trả từ 50-60 triệu đồng/tháng.

Mặt khác, làm ở bệnh viện tư không bị quá tải, bác sĩ có thời gian thăm khám, chăm sóc, tư vấn cho bệnh nhân nhiều hơn, chất lượng khám chữa bệnh nhờ thế nâng cao hơn và tâm lý bác sĩ cũng thoải mái, vui vẻ hơn.

Bẹnh viẹn cong dã quá tải còn 'chảy máu chát xám'
Khu vực chờ nhận thuốc bảo hiểm y tế của BV An Bình. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Người dân cũng chẳng còn xa lạ khi tới một bệnh viện tư khám và được quảng cáo rằng bác sĩ trưởng khoa này, khoa kia trước đây làm ở một bệnh viện đầu ngành. Một bác sĩ với thâm niên 20 năm đang làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy xin được giấu tên tâm sự: “Bệnh viện công tôi luyện ra bác sĩ giỏi mà chưa có cơ chế thỏa đáng để giữ chân họ. Dù biết ơn và tâm huyết với nơi được coi là cái nôi nuôi dưỡng, phát triển nghề nghiệp nhưng bác sĩ cũng có gia đình, vợ con, đồng lương không đảm bảo cuộc sống thì dịch chuyển là quy luật tất yếu”. 

Người ra đi dĩ nhiên có lý do của họ. Như bác sĩ D.V.H. – Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức – vừa nộp đơn xin nghỉ việc sau hơn 10 năm gắn bó. Đây là bác sĩ trẻ có nhiều triển vọng. Trong cơn thăng trầm của bệnh viện này, nhiều bác sĩ đàn anh ngán ngẩm bỏ đi, bác sĩ D.V.H. vẫn ở lại, mong chờ một sự thay đổi. Nhưng lãnh đạo dù có thay đổi, tình hình bệnh viện chẳng thể khá hơn, vẫn rối rắm chuyện quản lý, thu chi… Không hy vọng vào sự đổi thay, bác sĩ D.V.H. quyết định chấm dứt công việc ở đây. 

See Also
Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội giới thiệu chương trình ưu đãi đặc biệt

Bác sĩ D.V.H. cho biết, thu nhập cũng quan trọng nhưng môi trường làm việc quan trọng hơn. Nếu thu nhập thấp, bác sĩ có thể xoay xở bằng việc mở phòng khám, nhưng một bác sĩ không thể tồn tại trong môi trường có quá nhiều bất cập, nhiều chuyện tréo ngoe…

Với nghề y, cứu người là quan trọng. Nếu đánh mất ý nghĩa của nghề nghiệp khi chịu quá nhiều ràng buộc, quy định, luật lệ tứ phía, bác sĩ sẽ không thể tiếp tục công việc của mình được. 

Bẹnh viẹn cong dã quá tải còn 'chảy máu chát xám'
Một bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn mang ủng do bệnh viện ngập nước mưa

Thu nhập chỉ là một phần câu chuyện

Bác sĩ N.V.H. (Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM) thường hay nói đùa với phóng viên bằng câu chuyện của chính mình. Một bác sĩ đàn em học chuyên khoa nhi, tuổi đời ít hơn, kinh nghiệm ít hơn nhưng có thu nhập gấp năm lần bác sĩ N.V.H. Nguyên nhân chỉ vì bác sĩ đàn em không làm ở bệnh viện công mà làm ở bệnh viện tư. 

Nhưng câu chuyện so sánh mức thu nhập của nhau dường như chỉ là chuyện bề nổi. Các bác sĩ ở bệnh viện công dù biết thu nhập bệnh viện tư cao hơn nhưng rất ít người chọn con đường ra đi, nếu chẳng phải công việc đã trở nên quá sức chịu đựng. Như bác sĩ N.V.H. – dù có nhiều bệnh viện tư mời về làm việc, nhưng sau khi nghĩ đi nghĩ lại, bác sĩ N.V.H. vẫn cố chịu đựng công việc ở bệnh viện công.

Bác sĩ H.T. từng làm việc lâu năm ở bệnh viện công, sau đó sang làm việc ở bệnh viện tư đưa ra phân tích thẳng thắn về vấn đề bác sĩ nghỉ việc ở bệnh viện công: “Nếu chỉ đơn giản cho rằng thu nhập là lý do bác sĩ nghỉ việc và chỉ cần tăng thêm tiền bác sĩ sẽ ở lại thì lãnh đạo bệnh viện xem thường nhân viên của mình quá. Không lẽ hệ thống đào tạo y khoa lại đào tạo ra quá nhiều bác sĩ đi làm chỉ vì tiền? 

Nếu chỉ nghĩ theo hướng thu nhập thấp khiến bác sĩ nghỉ việc thì vấn đề không bao giờ được giải quyết vì hệ thống công không bao giờ cạnh tranh được về thu nhập với hệ thống tư. Tiền bao nhiêu là đủ? Thật ra, nếu bệnh viện nào bác sĩ nghỉ nhiều quá thì nên xem lại lãnh đạo bệnh viện và hệ thống điều hành bệnh viện, công hay tư cũng vậy”.

Tổng hợp

Scroll To Top