Now Reading
Bệnh nhân vô danh canh cửa tại Bệnh viện Tâm thần hàng chục năm

Bệnh nhân vô danh canh cửa tại Bệnh viện Tâm thần hàng chục năm

Bị cha mẹ bỏ rơi từ khi còn nằm cũi

Mỗi buổi sáng, đằng sau cánh cửa sắt ở khoa Bán cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I luôn có một người đàn ông với thân hình tròn trịa mặc áo bệnh nhân. Anh ngồi đây để đóng-mở cánh cửa khoa cho các bác sĩ và người nhà ra vào thăm bệnh.

Anh giống như một người bảo vệ mẫn cán với khuôn mặt niềm nở hiếu khách. Người đàn ông đó, mặc dù là bệnh nhân, nhưng đối với các bác sĩ, nhân viên của bệnh viện, anh lại giống như người nhà thân thiết. Họ gọi anh với cái tên thân mật – Béo Trắng.

Benh nhan vo danh canh cua tai Benh vien Tam than hang chuc nam
Anh Béo Trắng ngồi mở cửa cho các bác sĩ

Không ai nhớ rõ Béo Trắng năm nay bao nhiêu tuổi. Các bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết, Béo Trắng ở đây từ khi còn là một đứa trẻ nằm cũi. Khi đó, Béo Trắng bị bỏ rơi tại bệnh viện bởi chứng bệnh rối loạn tâm thần, kém phát triển. Nhìn đứa trẻ bụ bẫm, đáng yêu không nơi nương tựa, các y bác sĩ của bệnh viện đã thay nhau chăm sóc em.

Do không có danh tính, nên các bác sĩ ở đây dựa vào ngoại hình mà đặt tên cho cậu bé là Béo Trắng. Đó là cái tên để phân biệt với một bệnh nhi vô danh khác cũng bị bỏ rơi tại bệnh viện lúc bấy giờ được gọi là “Béo Đen”.

Cách đây vài năm, do mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nhân Béo Đen đã mất và được Bệnh viện Tâm thần Trung ương I lo hậu sự, an táng tại nghĩa trang dành cho những người vô danh của bệnh viện.

Riêng Béo Trắng, nhờ sự chăm sóc tận tình của y bác sĩ, cứ thế mà lớn lên. Tuy không nhanh nhẹn, thông minh nhưng anh lại hiền lành, chịu khó, luôn muốn giúp đỡ những người xung quanh mình.

Benh nhan vo danh canh cua tai Benh vien Tam than hang chuc nam
Bệnh nhân này khá hiền lành, rụt rè trong giao tiếp. Tuy nhiên anh biết ai có thể vào và ra khỏi khu vực này. Nếu không được sự cho phép của bác sĩ, anh Béo Trắng cũng không cho người lạ vào trong.

Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Tú hồi nhớ: “Anh Béo Trắng ở đây lâu lắm rồi, có lẽ cũng đã trải qua hơn 40 cái tết. Bố mẹ tôi vốn là cán bộ, nhân viên trong bệnh viện này. Khi còn là một đứa trẻ, tôi đã được nghe kể những câu chuyện về anh. Vì thế, không phải là các bác sĩ, có lẽ anh Béo Trắng mới là một trong những người “gắn bó” lâu năm nhất ở bệnh viện này”.

Hạnh phúc khi được giúp người

Như lập trình sẵn, mỗi ngày Béo Trắng cùng các nhân viên hộ lý tham gia vệ sinh khoa phòng và dọn dẹp các khu vực sinh hoạt chung. Sau đó, anh Béo Trắng lại trở về bên cánh cửa sắt – chỗ ngồi quen thuộc để làm nhiệm vụ đóng-mở cửa cho các bác sĩ ra vào và ngăn không cho các bệnh nhân ra ngoài khi chưa được phép.

Đến gần cuối giờ chiều, anh lại cùng các hộ lý kéo xe đi lấy nước và phụ bê vác giúp các công việc nặng nhọc. Béo Trắng khá khó khăn trong việc giao tiếp. Anh chỉ có thể trả lời người đối diện bằng những từ đơn giản như “có”, “không”, “khỏe”, “tốt” và ngây người trước một câu hỏi dài, phức tạp.

Benh nhan vo danh canh cua tai Benh vien Tam than hang chuc nam
Mỗi buổi chiều, anh Béo Trắng lại tự mình đi lấy nước cho khoa

“Nhìn bề ngoài anh béo, trắng trẻo, có vẻ chậm chạp nhưng rất hiền lành. Anh không bao giờ đánh nhau, gây gổ với người khác. Vì ở đây lâu nên anh rất thạo việc và thích được làm việc, hỗ trợ mọi người.

Thậm chí, anh còn phân biệt được chìa khóa các phòng trong cả một chùm chìa khóa to, điều mà các bác sĩ đôi khi còn gặp khó khăn. Chính vì vậy, đối với cán bộ, y bác sĩ ở đây, anh giống như người bình thường, thậm chí như người thân trong gia đình. Hễ ai đi đâu, có đồ ăn ngon cũng đều nhớ dành phần cho anh”, một nữ điều dưỡng tại khoa Bán cấp tính nam kể.

Ngoài trường hợp của hai anh Béo, mỗi năm, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I đón nhận rất nhiều bệnh nhân tâm thần bị người thân bỏ rơi ngay cổng bệnh viện hoặc do các cơ quan đoàn thể đưa tới. Những bệnh nhân vô thừa nhận này khi được đưa vào thường không có giấy tờ tùy thân.

See Also
Ăn củ sen vào mùa đông tốt hơn thịt, bổ hơn sâm: Cần tránh ăn theo 4…

Benh nhan vo danh canh cua tai Benh vien Tam than hang chuc nam
Một bệnh nhân đang được điều trị tại khoa bán cấp tính nam

“Chăm sóc một bệnh nhân tâm thần đã khó, chăm sóc một bệnh nhân vô danh còn khó khăn hơn bởi những rào cản từ khâu giao tiếp. Có những bệnh nhi khi đưa vào đây đang ở trạng thái kích động, không hợp tác. Sau khi được tắm rửa thay quần áo rồi đưa vào phòng điều trị, họ tiếp tục giằng co với bác sĩ.

Có những người không chịu tắm rửa, các bác sĩ phải nài nỉ rất vất vả mới cởi được áo của họ ra, làm ướt người rồi kì cọ cho họ. Sau khi chăm sóc vệ sinh cá nhân và cho thuốc điều trị, các bác sĩ mới ngồi nói chuyện để tìm những chi tiết họ còn nhớ. Từ đó tìm ra danh tính, người thân của họ”, bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Tú chia sẻ.

Đối với các bệnh nhân vô danh trong bệnh viện, giống như anh Béo Trắng, họ được gọi bằng những cái tên đặc biệt, thậm chí là những con số để phân biệt với nhau. Nhưng với các bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, đã là bệnh nhân thì đều được hưởng sự chăm sóc. Bởi thế, không ít người đã sống, lớn lên tại bệnh viện và cuối cùng, họ cũng ra đi ở chính mái nhà thứ hai này của mình…

Trong số các bệnh nhân vô danh đặc biệt khác mà Bệnh viện Tâm thần Trung ương I tiếp nhận, còn có một trường hợp khác được Trung tâm Bảo trợ xã hội của Hà Nội đưa tới, đó là một cụ ông ngoài 60 tuổi, nhập viện trong tình trạng da bọc xương, rối loạn tâm thần.

Sau một thời gian ngắn điều trị, vào những lúc tỉnh táo nhất, cụ ông này “bật mí” mình từng làm bác sĩ và con của ông đang sống ở nước ngoài. Các bác sĩ đã cố gắng tìm thông tin, số điện thoại để liên lạc với gia đình. Tuy nhiên, phải mất hai tháng sau, cũng là thời điểm bệnh nhân qua đời vì sức khỏe yếu, các con của ông mới kịp về đến nơi…

An Vũ – H.Anh

Tổng hợp

Scroll To Top