Now Reading
Bối rối trong quản lý tiêm phòng bệnh sởi

Bối rối trong quản lý tiêm phòng bệnh sởi

Thêm phần báo cáo các ca trẻ tai biến sau khi tiêm ngừa chưa được các cơ sở y tế chú trọng, khiến việc quản lý và kiểm soát các sự cố bất lợi sau tiêm ngừa trở nên khó khăn.

Bệnh sởi có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào

Ngày 24/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác tiêm ngừa năm 2019, đề cập việc tiêm vắc-xin cho trẻ, đặc biệt là vắc-xin ngừa sởi.

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho hay, hầu hết các quận huyện tại TP.HCM đều đạt chỉ tiêu tiêm phòng vắc-xin sởi mũi một, tuy nhiên, tất cả quận huyện đều tiêm phòng vắc-xin sởi mũi hai chiếm tỷ lệ không đến 90%, trong khi chỉ tiêu là 95%. Trong đó, Q.8 và Q.Bình Thạnh còn dưới 70% trẻ được tiêm ngừa.

Boi roi trong quan ly tiem phong benh soi
Trẻ điều trị sởi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM 

Đại diện Trung tâm y tế Q.8 cho rằng, quận này có tỷ lệ tiêm ngừa còn thấp do còn nhiều khó khăn trong quản lý, kiểm soát và vận động các bà mẹ đưa trẻ đi tiêm phòng, nhất là gia đình nhập cư, ở trọ tại địa bàn nhưng không đăng ký tạm trú. Thậm chí, có những gia đình đã được nhân viên đến tận nhà vận động tiêm ngừa vẫn không hợp tác hoặc nói trẻ đã được tiêm ngừa nhưng không cung cấp được sổ theo dõi.

Thêm vào đó, phần mềm quản lý tiêm ngừa quốc gia thời gian đầu đưa vào sử dụng bị lỗi, thông tin không đồng nhất, trùng đối tượng, nhập thiếu hoặc sai thông tin cá nhân, thông tin mũi tiêm trong sổ cá nhân, lỗi kết nối, lỗi đăng nhập… 

Về việc này, trước đây khi các cơ sở y tế phản ánh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã xây dựng một hệ thống theo dõi riêng cho TP.HCM. Tuy nhiên, đến nay, phần mềm này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nên chưa thể đưa vào sử dụng.

Trước tình hình trên, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết, mặc dù dịch sởi năm 2018-2019 đã qua, nhưng thời điểm đông xuân sắp tới vẫn có nguy cơ số lượng trẻ mắc bệnh sởi gia tăng do mầm bệnh vẫn còn. Đặc biệt là với trẻ chưa tiêm ngừa hoặc tiêm chưa đủ. 

Hiện tại, ở TP.HCM mỗi tuần có khoảng 40 trẻ bị bệnh sởi phải đến bệnh viện điều trị. Chính vì vậy, cơ sở y tế ở các quận huyện phải tích cực vận động tiêm ngừa sởi và tăng cường kiểm soát ca bệnh để phòng tránh việc lây lan trong thời điểm này. Nhất là giai đoạn tết, nhu cầu di chuyển, vui chơi, giải trí của người dân tăng cao dễ làm lây lan mầm bệnh.

Theo thống kê của trung tâm, chỉ khoảng 40% bà mẹ còn giữ sổ tiêm ngừa cho trẻ trên hai tuổi, điều này gây khó khăn cho công tác quản lý đối tượng tiêm ngừa. Đồng thời, khiến trẻ bị mất quyền lợi được tiêm ngừa đầy đủ. 

“Bên cạnh đó, chưa có quy định pháp lý bắt buộc trẻ đi học phải tiêm ngừa đầy đủ, nên các trường học, phụ huynh thiếu hợp tác với cơ sở y tế trong theo dõi tiêm ngừa, chỉ có 74% số trẻ được khai đúng nơi ở. Chính vì vậy việc quản lý tiêm ngừa cho trẻ bằng sổ còn nhiều bất cập. Chúng tôi chỉ có thể tăng cường vận động, tiêm vét trong nỗ lực ngăn chặn sởi bùng phát”, bác sĩ Dũng nói thêm.

Ca tai biến nặng sau tiêm ngừa thường bị báo cáo trễ

See Also
Bộ Y tế chỉ đạo khẩn về 3 ổ dịch bệnh than ở Điện Biên

Từ năm 2019, Sở Y tế TP.HCM mới yêu cầu các cơ sở y tế ở quận huyện giám sát biến cố bất lợi sau tiêm ngừa. Theo đó, từ đầu năm đến nay có gần 1.000 trường hợp trẻ bị sưng đau tại chỗ tiêm, gần 900 trường hợp phản ứng thông thường khác và hai ca tai biến nặng sau tiêm ngừa.

Boi roi trong quan ly tiem phong benh soi
Một bệnh nhân mắc bệnh sởi

Vì vậy, tháng 2/2019 Sở Y tế tiếp tục yêu cầu các cơ sở tiêm ngừa phải cung cấp cho phụ huynh bảng hướng dẫn chi tiết theo dõi trẻ sau tiêm vắc-xin giúp phụ huynh nhận biết sớm các dấu hiệu có thể xảy ra tai biến. Các bảng hướng dẫn này cũng phải có số điện thoại liên hệ hoạt động 24/24 để hỗ trợ phụ huynh khi cần được tư vấn.

Bác sĩ Nga cho biết: thông thường, trẻ được theo dõi tại cơ sở y tế 30 phút sau khi tiêm ngừa, nhưng thời gian tai biến từ lúc tiêm đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên là 2,6 giờ. Như vậy, khi về nhà, trẻ vẫn còn nguy cơ bị tai biến sau tiêm, nên phụ huynh phải tuân thủ bảng hướng dẫn theo dõi, đảm bảo trẻ được giám sát kỹ, sớm nhận biết phản ứng thông thường.

Ngoài ra, các ca tai biến nặng sau tiêm ngừa được đưa thẳng đến bệnh viện nên cơ sở tiêm ngừa không biết, hoặc ghi nhận, báo cáo rất trễ, trong khi bệnh viện tiếp nhận cứu chữa trẻ thường không quan tâm báo cáo về trung tâm. “Tai biến nặng sau tiêm ngừa có thể đe dọa tính mạng của trẻ, để lại di chứng hoặc gây tử vong cao. Ngoài ra, trẻ mắc bệnh, dị tật bẩm sinh phải nằm viện điều trị nội trú phải được tiêm ngừa ngay tại bệnh viện trước khi về nhà”, bác sĩ Nga nói thêm. 

Phạm An

Tổng hợp

Scroll To Top