Now Reading
Diễn đàn ‘Phát triển TP.HCM thông minh, sáng tạo’ – Nguồn nhân lực du lịch dồi dào đang bị bỏ ngỏ

Diễn đàn ‘Phát triển TP.HCM thông minh, sáng tạo’ – Nguồn nhân lực du lịch dồi dào đang bị bỏ ngỏ

Đó là vấn đề mà bà Trần Thị Xuân Quyên – thành viên hội đồng tư vấn Trường Quản lý du lịch và khách sạn SHP – đặt ra khi đến với diễn đàn “Phát triển TP.HCM thông minh, sáng tạo” do Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức.

Với hàng chục năm làm việc trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực du lịch, bà Quyên cho hay:

– Riêng với lĩnh vực đào tạo du lịch, hiện chưa có sự liên kết đồng bộ giữa cơ sở đào tạo, doanh nghiệp dịch vụ du lịch và các cơ quan, ban, ngành. Ít khi nào chúng tôi được tiếp cận hay được chia sẻ những thông tin liên quan đến chủ trương của cấp thành phố, thông qua Sở Du lịch.

Trong khi đó, những cơ sở đào tạo nhân lực khách sạn, du lịch như chúng tôi không thiếu những sáng kiến, chương trình rất cụ thể, thiết thực, giúp đẩy mạnh hoạt động xây dựng nguồn lực con người trong ngành nói riêng, cũng như thúc đẩy sự thay đổi của cộng đồng giúp cho bộ mặt du lịch nói chung tốt hơn. Các hoạt động tư nhân này chỉ cần được liên kết với các cơ quan quản lý nhà nước, sẽ tạo ra sức lan tỏa và hiệu quả lớn.

Dien dan ‘Phat trien TP.HCM thong minh, sang tao’ - Nguon nhan luc du lich  doi dao dang bi bo ngo
Bà Trần Thị Xuân Quyên

Thân thiện, an toàn không tự dưng mà có

Phóng viên: Bà có thể nêu ngay những sáng kiến cụ thể thúc đẩy sự  thay đổi từ cộng đồng để làm bộ mặt du lịch tốt lên?

Bà Trần Thị Xuân Quyên: Chúng tôi đang có ba chương trình rất tâm đắc. Thứ nhất là “văn hóa bàn tiệc”, hướng dẫn cách thức trên bàn tiệc như thế nào từ tư thế ngồi, cách dùng dao, muỗng, nĩa, tổ chức bàn tiệc, nhất là văn hóa ăn buffet, nhằm góp phần nâng cao văn hóa giao tiếp ẩm thực của người Việt xứng tầm quốc tế; kế đến là chương trình “an toàn vệ sinh thực phẩm” dành cho đối tượng kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn và chủ yếu là người bán hàng rong, làm cho những người này phải có ý thức mua sản phẩm an toàn để chế biến; thứ ba là nâng cao ý thức người dân bằng những thùng rác có hình thức nhận diện về chương trình tới tận hàng quán, bếp ăn, nhằm gây ý thức bảo đảm an toàn thực phẩm.

Xin nhắc lại, nếu được phối kết hợp với cơ quan, ban ngành, địa phương, chúng tôi bảo đảm sẽ tạo ra hiệu quả tốt nhất.

* Theo bà, sự phát triển nguồn nhân lực cho du lịch tác động vào ý thức cộng đồng và ngược lại. Vậy, tại sao chúng ta vẫn chưa tạo được sự cộng hưởng này?

– Ngành du lịch của chúng ta luôn muốn xây dựng hình ảnh Việt Nam là một điểm đến thân thiện. Muốn là một điểm đến thân thiện, trước tiên phải bắt đầu từ con người thân thiện. Điều này phải đào tạo chứ không thể hô khẩu hiệu mà thành.

Muốn vậy, cần phải có một kế hoạch đào tạo từ những người hoạt động trong ngành du lịch cho tới cả người dân, phải hiểu được rằng như thế nào là thân thiện, làm sao đạt được nó và cách nào phát triển mọi sản phẩm du lịch với bộ mặt thân thiện ấy.

Thế thì, cơ quan quản lý cần liên kết với các cơ sở đào tạo để xây dựng chương trình, các cơ sở đào tạo như chúng tôi phải liên kết với các doanh nghiệp du lịch, bởi họ là các đơn vị cung cấp trực tiếp sản phẩm du lịch cho du khách, họ cần có những cơ sở đào tạo để liên kết, xây dựng chiến lược phát triển nhân lực.

Chúng ta chưa tạo được sự cộng hưởng đó là vì hiện nay, ngành du lịch và sự phát triển của TP.HCM còn đang rất thiếu liên kết. Hiện vẫn chưa có cơ quan đóng vai trò trung tâm xúc tiến, điều phối vòng kết nối giữa cơ sở đào tạo, doanh nghiệp du lịch và quản lý nhà nước. Tôi tin, vòng tròn này nếu được kết nối với nhau, sẽ phát sinh rất nhiều hành động, sáng kiến cụ thể, thiết thực.

Dien dan ‘Phat trien TP.HCM thong minh, sang tao’ - Nguon nhan luc du lich  doi dao dang bi bo ngo
Tại sao chúng ta không cạnh tranh với các nước bằng chính hoạt động đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đó là đầu tư vào con người?

* Sở Du lịch, Trung tâm Xúc tiến du lịch có sự quan tâm trong phát triển nguồn nhân lực du lịch không, thưa bà?

– Chúng ta đã nói quá nhiều về đường sá, môi trường, nhưng đó là những vấn đề đâu thể cải thiện được ngay, mà cần thời gian và sự đầu tư vĩ mô. Nhưng không lẽ cứ chờ tới 10-20 năm nữa để hạ tầng giao thông cải thiện thì mới cải thiện được du lịch? Tại sao chúng ta không cạnh tranh với các nước bằng chính hoạt động đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đó là đầu tư vào con người?

Ở Thái Lan, du khách luôn nhận được từ người dân sự nhiệt tình hướng dẫn đi bằng con đường nào an toàn nhất, ngắn nhất, thuận tiện nhất. Điều này cũng đủ bù đắp lại sự phiền muộn vì kẹt xe.

Người Nhật cũng thành công khi biết tập trung vào con người. Tôi từng lạc đường và được hai cô bé học sinh sẵn sàng đi một đoạn xa để giúp tôi tới khu vực homestay của mình. Tất cả là do họ được huấn luyện, họ được đào tạo trong nhà trường, mới thân thiện hướng dẫn tôi về tới nhà an toàn.

Tôi cứ tự hỏi, tại sao Việt Nam chưa làm được chuyện đó, dù không khó để làm. Đầu tư vào việc đào tạo lại con người để thay đổi nhận thức là không khó nếu như được sự ủng hộ của Nhà nước trong vòng tròn hợp tác cơ sở đào tạo và đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch.

* Nếu chỉ thu hẹp trong phạm vi người lao động trong ngành du lịch thôi thì có vẻ dễ như bà nói. Nhưng, gây ý thức cho tất cả người dân thì phải tiếp cận từ cái gốc giáo dục, thưa bà?

– Chúng tôi tự tin làm được và sửa được những thói quen chưa chuẩn trong văn hóa đó. Khi xây dựng chương trình đào tạo “văn hóa bàn tiệc”, ban đầu tôi nghĩ, chỉ hướng vào người đã trưởng thành và những doanh nghiệp bắt đầu có sự giao thoa với nước ngoài, hoặc cùng lắm là sinh viên. Họ là những đối tượng bắt đầu phải nghĩ đến văn hóa trên bàn ăn thế nào cho đúng, cách sử dụng rượu vang ra sao…

Nhưng tôi đã suy nghĩ lại và mạnh dạn đưa chương trình xuống liên kết với các trường tiểu học, bởi cũng nghĩ như bạn nói. Và kinh nghiệm thực tế khi triển khai ở tiểu học cũng như ở các cấp lớn hơn, giúp chúng tôi tự tin rằng chúng ta sẽ làm được.

Tưởng tượng không phải một hai đơn vị tư nhân mà là chủ trương chung của các ngành các cấp, hiệu quả sẽ thật lớn lao. Mong muốn thiết thực nhất của chúng tôi là đưa các chương trình đào tạo đi vào học sinh, sinh viên, đội ngũ lao động phổ thông, những người trực tiếp hiện diện trước du khách.

* Về kỹ năng giao tiếp, người Việt thiếu cái gì nhất, theo bà?

– Người mình rụt rè, không tự tin khi giao tiếp. Không hẳn là vấn đề ngoại ngữ mà chính là nền nếp giáo dục – đào tạo của mình từ hồi nào tới giờ, ngay khi còn bé không được phản biện. Cái cách của chúng ta là chỉ có một chiều từ ông thầy ấn xuống. Nó ăn sâu vào tiềm thức, khiến chúng ta không có thói quen phản biện, cho nên dần mất tự tin và đó cũng là yếu tố giảm sự thân thiện.

Trong những khóa học của chúng tôi, thay vì thầy nói, tôi yêu cầu giảng viên tập hợp những gì hay nhất cần trình bày, yêu cầu học sinh xem trước tài liệu. Khi lên lớp, mọi người cứ trình bày cách hiểu của mình. Sau đó, thầy chỉ có nhiệm vụ đúc kết vấn đề do chính học viên đưa ra.

Cách học này thay đổi từ thầy đến trò. Thầy không còn là người chỉ truyền đạt kiến thức mà phải là người hướng dẫn cho học viên tự học như thế nào cho đúng; học viên từ đó cũng biết phản biện. Chúng tôi cũng xóa dần hình thức nặng nề lý thuyết. Ví dụ, các lớp đào tạo đầu bếp thì cho học viên vào bếp luôn, không cần phải qua lý thuyết sơ đồ bếp, chức năng của bếp hay an toàn vệ sinh thực phẩm. Học viên lấy thực hành để “gạo” bài, đó là cách nhớ nhanh và lâu nhất.

* Những vấn đề trước mắt liên quan đến du lịch của TP.HCM, ví dụ như các hộ kinh doanh thức ăn đường phố, theo bà, cần các hành động, chiến dịch cụ thể nào để cải thiện tình hình?

– Tôi chỉ nêu một sáng kiến trong vấn đề gây ý thức bảo đảm an toàn thực phẩm. Băng-rôn cổ động, tờ rơi tuyên truyền của chúng ta tỏ ra kém hiệu quả. Tôi thấy ở các nước, họ đầu tư làm các phim ngắn nhằm “răn đe” trong mọi vấn đề đang lệch lạc của xã hội. Như chúng ta đang đối mặt với thực phẩm bẩn, nhiễm hóa chất chẳng hạn, các phim ngắn đó sẽ chỉ ra các hành vi xấu của họ sẽ dẫn đến vấn đề nhân – quả như thế nào.

Nếu như các video cổ động đó khó lên sóng truyền hình, chúng ta có thể dựa vào mạng xã hội. Hoặc có doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư các màn hình dọc các tuyến phố đi bộ, nhất là tại các tuyến phố ẩm thực, để phát đi phát lại thông điệp nhân – quả mà các phim ngắn ấy muốn đề cập.

See Also

Dien dan ‘Phat trien TP.HCM thong minh, sang tao’ - Nguon nhan luc du lich  doi dao dang bi bo ngo
Hoạt động đào tạo đầu bếp, phụ bếp tại TP.HCM – Ảnh: Quốc Ngọc

TP.HCM đang bỏ quên thị trường du lịch các nước

* Thị trường lao động tại các nước nói chung, nhân lực trong ngành du lịch nói riêng, đang biến động và tạo ra cơ hội như thế nào? Bà có hiến kế gì trong lĩnh vực được xem là mũi nhọn này, thưa bà?

– Chúng ta đang có lực lượng lao động trẻ rất lớn, từ khắp nơi đổ về mà thị trường các nước thì đang rất cần. Các nước phát triển hiện đi theo công nghệ, nên thiếu nguồn lao động trong các ngành dịch vụ. Người ta không thể dùng người máy để thay thế đầu bếp, hoặc máy móc cũng không thể thay thế người trong các dịch vụ phục vụ con người tận nơi được. Chưa kể, các nước này còn đang đối mặt với dân số già.

Vậy thì tại sao chúng ta không tận dụng dân số trẻ, kèm với nâng cao các chương trình đào tạo đạt chuẩn để cung cấp nguồn lao động tay nghề cao cho các nước? Khi ra nước ngoài làm việc trong các lĩnh vực này, đương nhiên GDP của thành phố sẽ tăng cao vì lương bổng ở các nước phát triển tương đối cao. Quan trọng hơn, khi đi làm như thế, họ cọ xát, tiếp thu và mang được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế ở nước ngoài về.

Tôi có những đầu bếp làm 5-7 năm ở các nước về và họ có rất nhiều kiến thức cực kỳ quý báu cho đồng nghiệp trong nước. Các nước như Úc, Nhật, Hàn Quốc hiện nay đang đặt hàng cho chúng tôi rất nhiều về lực lượng đầu bếp Âu, bếp Việt…

* Vấn đề xuất khẩu lao động đang bị lạm dụng cho mục đích di cư. Điều này có xảy ra trong xuất khẩu nhân lực du lịch?

– Xin thưa là có. Tôi muốn chính quyền thành phố lưu ý vấn đề này. Đa phần những đợt đi mà không qua đào tạo là đi vì mục đích định cư. Hiện vẫn có những “đường dây”, “dịch vụ” như vậy làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các cơ sở đào tạo trong nước. Chúng tôi yêu cầu phải làm gắt khâu đào tạo trước khi qua các nước.

Tôi cương quyết từ chối những đơn hàng “có phí thường trú nhân”, tức là chủ yếu chỉ để có visa qua bên kia rồi ở lại. Trước khi tiếp nhà báo cho cuộc phỏng vấn này, tôi cũng có lời chào mời “lo” cho 25 nhân sự đi làm dịch vụ nhà hàng ở Úc “có kinh phí xin thường trú nhân” và dĩ nhiên tôi từ chối.

Nếu cứ để phát triển manh mún như hiện nay, chưa có một quy hoạch nào bài bản, trong lúc tình trạng cung cấp người không đáp ứng chất lượng vẫn tiếp diễn, có nguy cơ các nước sẽ từ chối lao động Việt Nam nếu không có sự quan tâm của cơ quan chức năng. Vai trò Nhà nước ở đây là phải quy hoạch đồng bộ thông qua các trung tâm xúc tiến du lịch và đưa các chương trình đào tạo chuẩn của nước ngoài vào.

Nếu có sự quan tâm đúng đắn của lãnh đạo thành phố, chắc chắn chúng ta sẽ tạo được thương hiệu cho TP.HCM là một “địa chỉ vàng” về nguồn nhân lực du lịch, khách sạn. Một nơi luôn đảm bảo về chất lượng lao động.

Chúng ta có thể trở thành “bếp ăn của thế giới” và chắc chắn cũng có thể trở thành địa điểm cung cấp đầu bếp và lao động du lịch nhanh nhất, chất lượng nhất cho các nước có nhu cầu.

* Xin cảm ơn bà.

Quốc Ngọc (thực hiện)

Tổng hợp

Scroll To Top