Now Reading
Vụ 15 chú chó bị tiêu hủy ở Cà Mau: Cái lý, cái tình, sự cân nhắc…

Vụ 15 chú chó bị tiêu hủy ở Cà Mau: Cái lý, cái tình, sự cân nhắc…

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không đại diện cho tòa soạn

UBND xã Khánh Hưng và huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) đã nhận sai trong việc vội vã tiêu hủy đàn chó mèo gồm một số chó lớn, 9 chó con và một con mèo của hai gia đình người dân F0 mới về nhập vào khu cách ly. 

15 chú chó khiến dư luận xôn xao

Nguyên nhân cũng được nói rõ: do người chủ nhiều lần không quản lý được nên đàn chó mèo chạy rông trong khu cách ly khiến người dân bên ngoài lo sợ gây lây nhiễm, vì vậy họ đã làm áp lực buộc Ban quản lý Khu cách ly phải tiêu hủy công khai đàn chó mèo này (cộng với chó mèo của một số người dân khác cũng đi cách ly). Việc tiêu hủy đã được thực hiện trước cổng Khu cách ly vào chiều 09/10.

Đàn chó mèo bị tiêu hủy-lỗi gì khiến cái sảy nảy cái ung? - Ảnh 1.

Câu chuyện về 15 chú chó khiến dư luận xôn xao mấy ngày nay

Sự quyến luyến là rất nhiều, ai yêu thương chó mèo có lẽ đều hiểu. Với nhiều người, chúng hơn cả những con vật nuôi, giống như những thành viên của gia đình. Sự việc 15 chú chó ở Cà Mau lập tức khiến cộng đồng mạng xôn xao, nhiều ý kiến trái chiều. 

Không ít ý kiến bức xúc, phản ứng quyết liệt quyết định của Ban quản lý Khu cách ly, số khác thì đồng tình với họ.

Chó mèo có lây COVID sang người không?

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), Trung tâm quốc gia về các bệnh truyền nhiễm ở động vật và bệnh mới nổi, Coronavirus là một họ virus lớn. Một số coronavirus gây bệnh giống như cảm lạnh ở người, trong khi những loại khác gây bệnh cho một số loại động vật, chẳng hạn như gia súc, lạc đà và dơi. Một số coronavirus chỉ lây nhiễm cho động vật và không lây cho người.

Một số lượng nhỏ vật nuôi trên toàn thế giới, gồm cả mèo và chó, đã được báo cáo về tình trạng bị nhiễm vi rút gây ra COVID-19, chủ yếu là sau khi tiếp xúc gần với những người có COVID-19. Hầu hết chúng chỉ bị bệnh nhẹ và bình phục hoàn toàn. Bệnh nghiêm trọng ở vật nuôi dường như là cực kỳ hiếm.

Nhưng không có bằng chứng cho thấy vi rút có thể lây lan sang người từ da, lông hoặc lông của vật nuôi.

Nếu một người trong nhà bị bệnh, hãy cách ly người đó với mọi người khác, kể cả vật nuôi và động vật khác.

Tuy nhiên, CDC cũng cảnh báo dù rất ít bằng chứng về thú cưng có thể lây COVID-19 sang người nhưng luôn luôn phải giữ vệ sinh khi chăm sóc chúng, với găng tay, xà phòng và các chất diệt khuẩn. Họ cũng khuyên những người có COVID-19 không nên tiếp xúc với vật nuôi, hay để vật nuôi tiếp xúc với những người chưa được tiêm phòng bên ngoài hộ gia đình, nếu có thể.

Cái lý của địa phương

Ban chỉ đạo Khu cách ly cho biết, trước sự việc, Ban chỉ đạo đã nhắc nhở nhiều lần nhưng chủ của những chú chó mèo này vẫn không quản lý được chúng, chúng chạy rông trong khu cách ly và tiếp xúc gần với những người khác.

Mặc dù nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ đàn chó mèo này sang người là thấp, nhưng trong khu cách ly có những người mắc COVID-19 và có cả những bệnh khác nữa. Họ có thể nhiễm những căn bệnh từ vi trùng trên đàn chó mèo này hay không, không ai biết được, và không phải ai cũng thích tiếp xúc gần với chó mèo của người khác. 

Do vậy rõ ràng không nên để đàn chó mèo này tự do không ai quản lý. Trong việc này, chủ của đàn chó mèo không thể nói là hoàn toàn không có trách nhiệm.

Nhưng, bản thân những người chủ cũng là F0, lại đang bị cách ly thì làm sao quản lý đàn chó mèo?

Cái tình của “sự công bằng”

Xét về lòng yêu thương động vật cũng như yêu cầu đảm bảo vệ sinh trong khu cách ly, tôi cho rằng giải pháp tốt nhất là gởi đàn chó mèo cho người khác chăm nuôi khi chủ của nó đi cách ly. Còn nếu chủ không gởi được cho ai thì xin hãy trả tiền để nhờ nhân viên của Khu cách ly hoặc một ai đó sẵn lòng chăm sóc chúng trong một chiếc chuồng, hoặc khu rào nhốt riêng biệt, được đảm bảo vệ sinh chung.

Tôi nghĩ như vậy là công bằng.

Đã nhận nuôi thú cưng thì phải có trách nhiệm với chúng, nếu khó khăn, bạn càng cần chủ động hơn cho việc này. Không thể đùn đẩy cho người khác, đó là điều đương nhiên. Từ góc nhìn của tôi, vụ việc lần này 

Có khá nhiều người mang chó mèo cưng về quê và phải vào khu cách ly, có nhiều lý do như nghèo, hết tiền..v.v. Nhưng đã nhận nuôi thú cưng thì tự mình phải có trách nhiệm với chúng đến cùng, chớ đùn đẩy cho người khác. Đó là điều dĩ nhiên, và có lẽ cũng là một tiền lệ để giải quyết nỗi lo về thú cưng của những người chủ khi rơi vào trường hợp tương tự.

Nhưng có khía cạnh khác quan trọng hơn cần bàn luận hơn là vụ việc đã rồi kể trên.

Chúng ta cần nhiều hơn “sự cân nhắc”

Trong mùa dịch, có không ít người chủ không gởi được chó cưng cho ai nên phải dẫn theo vào Khu cách ly ở TP HCM. Trên mạng xã hội, khá nhiều lần người ta hào hứng chia sẻ những tấm ảnh chụp chú chó cưng được xích ở bên ngoài khuôn viên phòng ở của người và được các anh dân phòng, bảo vệ thay phiên nhau chăm sóc giùm người chủ. Chỉ nhìn ảnh thôi mà ai cũng dễ dàng nở nụ cười.

Hôm 09/10/2021, một lần nữa thủ tướng Phạm Minh Chính công khai yêu cầu các địa phương không được ban hành giấy phép con, không để xảy ra tình trạng cát cứ và chia cắt về giao thông và lưu thông hàng hóa trong toàn quốc.

Cát cứ và chia cắt nói rộng ra là mỗi địa phương tự đề ra một quy định về các biện pháp cụ thể trong phòng chống dịch. Điều này được nhắc đến rất nhiều lần trong 5 tháng cao điểm dịch vừa qua.

Ở hầu hết các địa phương, việc đưa người đi cách ly tuy là quy định nhưng đều được thực hiện nhẹ nhàng. Người nhiễm được thuyết phục, động viên tâm lý, trấn an tinh thần, và sau này thì tùy tình hình và điều kiện để cho người nhiễm tự cách ly ở nhà. Ở rất nhiều bệnh viện dã chiến tại TP HCM, những người chỉ huy đã mở rộng cửa để các ca sĩ, nghệ sĩ đến biểu diễn giúp vui tinh thần bà con, từ đó họ vui vẻ và yên tâm tuân thủ các yêu cầu của ngành y tế.

See Also
Bố mẹ bé gái bị bắt cóc ngỡ ngàng, không hiểu vì sao nữ giúp việc làm…

Thế nhưng chúng ta cũng đã thấy ít nhất hai vụ việc gây chấn động dư luận: ở Nghệ An, nhân viên công vụ phá cửa nhảy vào một ngôi nhà khang trang rộng rãi lôi người nhiễm đi cách ly, và mới đây nhất trong một chung cư ở Bình Dương, cũng lại một nhóm nhân viên công vụ hùng hậu phá khóa cửa lôi xềnh xệch một phụ nữ đi xét nghiệm.

Trong vụ thứ hai, chính quyền địa phương đã phải xin lỗi khổ chủ.

Vụ thứ nhất, chính quyền địa phương cho biết lúc đó Nghệ An chưa cho tự cách ly tại nhà, cũng như người phụ nữ đã cởi đồ và lăng mạ nhóm nhân viên công vụ trong cả tiếng đồng hồ trước khi họ phá cửa vào. Ý nói người phụ nữ này đã phạm lỗi trước, còn chính quyền thì sợ bà đi lại tự do sẽ gây lây lan dịch.

Tuy nhiên, trong cả gia đình lúc ấy chỉ còn một mình người phụ nữ này sinh sống. Bà cũng yêu cầu được ở lại nhà để trông nom ngôi nhà mới xây, chưa làm được rào, cổng. Đó là lý do không thể nói là không chính đáng.

Và cho dù bất kể điều gì, chính quyền địa phương có rất nhiều cách uyển chuyển để xử lý các vụ việc cụ thể vốn muôn hình vạn trạng. Mục đích không gì khác là đạt được sự đồng thuận, nhất trí của người dân, từ đó người dân mới tự nguyện thực hiện đến nơi đến chốn các chủ trương phòng chống dịch, xa hơn là các chủ trương quản lý địa phương nói chung.

Để cho cái sảy nảy cái ung, một sự việc về bản chất là rất bé nhỏ cuối cùng mất kiểm soát đến nỗi trở thành những ấn tượng rất xấu về hành xử giữa chính quyền và người dân, là bài học rất đau buồn.

Các quy định cơ bản về phòng chống dịch hầu như không thay đổi trong suốt từ đầu mùa dịch năm ngoái đến nay. Bộ Y tế cũng luôn luôn cập nhật các hướng dẫn rất cụ thể về mọi mặt. Do vậy, việc hiểu không toàn vẹn hay hiểu nửa vời các kiến thức cơ bản này- không thể biện minh được, chính là lỗi cá nhân của một số người thực hiện công vụ cụ thể. 

Chính vì không hiểu đến nơi đến chốn nên mới dễ dẫn đến cực đoan và áp đặt trong hành xử giữa chính quyền và người dân như vậy. Rất mong mọi việc được như lời Thủ tướng: điều này không thể để xảy ra nữa.

Tổng hợp

Scroll To Top